Gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm A/H5N8

Thứ hai - 30/08/2021 05:19 42 0
Mới đây, trên địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 với tổng số gia cầm bị bệnh chết, phải tiêu hủy là 665 con. Đây là chủng cúm gia cầm mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; đặc biệt, nguy hiểm hơn là chủng vi rút này có thể lây sang người. Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8, các biện pháp phòng, chống dịch đang được ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai.
Gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm A/H5N8

Mới đây, trên địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 với tổng số gia cầm bị bệnh chết, phải tiêu hủy là 665 con. Đây là chủng cúm gia cầm mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; đặc biệt, nguy hiểm hơn là chủng vi rút này có thể lây sang người. Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8, các biện pháp phòng, chống dịch đang được ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai.

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp quan trọng và hiệu quả hàng đầu nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm - Ảnh: T.Q

Trao đổi với chúng tôi khi vừa đi kiểm tra công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Cam Tuyền về, Phó Trưởng Trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Cam Lộ Lê Văn Liêm cho biết, ngày 16/8/2021, sau khi nhận được thông tin dịch bệnh trên đàn gia cầm nuôi của ông Đinh Ngọc Thương ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Trạm CN&TY đã phối hợp với Chi cục CN&TY tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Tại thời điểm kiểm tra, tổng đàn gia cầm nuôi của cơ sở chỉ còn 60 con, trong đó có 5 con đã bị bệnh, chết.

Đến ngày 20/8/2021, Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7113/CĐXN-CĐ kết luận mẫu bệnh phẩm lấy tại hộ ông Đinh Ngọc Thương có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5N8. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Trạm CN&TY đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại. Kiểm tra các hố chôn gia cầm bệnh, chết do chủ hộ tự chôn lấp. Cấp hoá chất, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực lân cận; xử lý hồ nước nơi chăn thả thủy cầm bằng vôi bột và hóa chất.

Đồng thời phối hợp với UBND xã Cam Tuyền thông báo tình hình dịch bệnh đến người dân; giám sát chặt chẽ đàn gia cầm của xã; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia cầm trong vùng dịch. Thống kê, rà soát tổng đàn gia cầm và triển khai tiêm vắc xin cúm gia cầm trên toàn xã, hoàn thành trước ngày 30/8/2021. Tổ chức phun hóa chất xử lý tiêu độc khử trùng tại các đường làng, ngõ xóm và vệ sinh môi trường tại các trại nuôi gia cầm trên địa bàn xã.

Theo ông Liêm, qua điều tra thông tin dịch tể từ chủ hộ, có thể khẳng định dịch bệnh có nguồn gốc từ đàn ngan 50 con và ngỗng 30 con dưới 10 ngày tuổi được chủ hộ mua từ cơ sở cung cấp giống gia cầm có địa chỉ tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh về nuôi. Ngày 25/7/2021, sau khi nhập đàn được 5 ngày, đàn ngỗng bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh với các biểu hiện như co giật, chết nhanh. Sau đó từ 3 - 10 ngày, đàn ngan và gà tiếp tục phát bệnh, chết nhiều. Tuy nhiên, chủ cơ sở không báo cáo tình hình dịch bệnh mà tự ý chữa trị. Đến ngày 10/8/2021 mới khai báo tình hình dịch bệnh cho cán bộ thú y xã Cam Tuyền và nhận 400 liều vắc xin cúm gia cầm NAVET-FLUVAC2 để tiêm phòng cho đàn gà còn lại.

Tuy nhiên sau đó, đàn gia cầm vẫn tiếp tục phát bệnh và chết. Ông Liêm thông tin, theo đúng quy trình thì khi nhập đàn gia cầm mới về chủ hộ phải nuôi cách ly trong vòng 14 ngày rồi mới được nhập đàn. Tuy nhiên, do chủ hộ không nuôi cách ly đàn gia cầm mới nên dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ đàn gia cầm đang nuôi tại cơ sở. Dẫn đến trong tổng đàn gia cầm 665 con của cơ sở, đến thời điểm có kết quả xét nghiệm và Trạm CN&TY tiến hành tiêu hủy chỉ còn 41 con. Số còn lại đã bị chết do dịch bệnh và được hộ nuôi chôn lấp ngay tại cơ sở. “Hiện tại, Trạm CN&TY đang cử cán bộ theo dõi, kiểm tra diễn biến tình hình dịch bệnh tại xã Cam Tuyền và hướng dẫn xử lý, tiêu độc khử trùng hằng ngày tại ổ dịch. Hướng dẫn người làm việc tại cơ sở trước khi ra về phải tắm rửa, thay áo quần, bảo hộ lao động… để không làm lây lan dịch bệnh”, ông Liêm cho biết thêm.

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu cho hay, chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 là chủng cúm gia cầm mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là chủng vi rút có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; gia cầm bị mắc bệnh có tỉ lệ chết có thể lên đến 100%; đặc biệt, nguy hiểm hơn là chủng vi rút này có thể lây sang người. Theo ông Hậu, mặc dù hiện trên địa bàn tỉnh ngoài ổ dịch tại xã Cam Tuyền chưa phát sinh thêm đàn gia cầm mắc bệnh, nhưng dự báo trong thời gian tới nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Nguyên nhân là do qua điều tra tình hình dịch tể cho thấy, tại ổ dịch ở xã Cam Tuyền dịch bệnh đã xuất hiện từ cuối tháng 7/2021 nên các biện pháp bao vây, xử lý ổ dịch không được thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, việc kiểm soát gia cầm giống từ tỉnh ngoài vào còn bất cập do thương lái khi vận chuyển thường xé lẻ, phương tiện vận chuyển bằng xe máy, bán rong gây khó khăn cho cơ quan thú y trong kiểm tra, xử lý; thời tiết nắng, mưa thất thường gây bất lợi cho sức khoẻ đàn gia cầm, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và lây lan; việc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi không đạt hiệu quả cao. “Đặc biệt, kết quả tiêm vắc xin để phòng bệnh cúm gia cầm đạt thấp, từ đầu năm đến nay chỉ tiêm phòng được 329.731 lượt con/tổng đàn 3,62 triệu con; nhiều địa phương là vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm của tỉnh không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm định kỳ; việc tiêm bổ sung cho đàn nuôi mới cũng không được thực hiện…”, ông Hậu lưu ý.

Để ngăn chăn dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh và ngăn ngừa sự xâm nhập các vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác, theo ông Nguyễn Trung Hậu, giải pháp quan trọng và hiệu quả hàng đầu là cần tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm bằng vắc xin. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh để phát hiện kịp thời các ổ dịch, có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan. Theo đó, đối với huyện Cam Lộ, Chi cục CN&TY đã chỉ đạo Trạm CN&TY phối hợp với UBND xã Cam Tuyền tập trung theo dõi, giám sát đàn gia cầm để phát hiện sớm dịch bệnh có thể phát sinh; tổ chức phun tiêu độc hằng ngày tại hộ có gia cầm bệnh trong vòng 7 ngày và tổ chức tiêu độc trên toàn xã; triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin cúm gia cầm theo quy định cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại ổ dịch, hoàn thành trước ngày 30/8/2021.

Đồng thời, tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm; không để đàn gia cầm nuôi đến tuổi chưa được tiêm phòng bị mắc bệnh cúm gia cầm. Yêu cầu Trạm CN&TY các huyện, thị xã, thành phố còn lại triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời khoanh vùng, bao vây không để dịch lây lan trên diện rộng; tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, đảm bảo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ. Về phía người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay tại cơ sở như tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại; phát hiện và khai báo kịp thời khi thấy gia cầm có dấu hiệu bị bệnh để có biện pháp khống chế kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ trong tháng 8/2021; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới phát sinh chưa được tiêm phòng... “Đối với người chăn nuôi, yêu cầu phải nhập gia cầm giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan thú y kiểm dịch; khi nuôi mới phải báo với chính quyền. Nếu không chấp hành các quy định trên, khi dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ”, ông Quốc nhấn mạnh.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay4,059
  • Tháng hiện tại21,357
  • Tổng lượt truy cập914,440
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây