Nâng cao giá trị nông sản

Thứ ba - 21/11/2023 02:30 141 0
Với định hướng phát triển SX-KD thương mại gắn liền với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai các mô hình nông nghiệp có hiệu quả trên cơ sở chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu nông sản cho nông dân.
Nâng cao giá trị nông sản

Với định hướng phát triển SX-KD thương mại gắn liền với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai các mô hình nông nghiệp có hiệu quả trên cơ sở chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu nông sản cho nông dân.


Rơm từ ruộng lúa hữu cơ được thu gom để chế biến làm thức ăn gia súc - Ảnh: L.A

Vụ hè thu năm nay là vụ thứ 2 anh Nguyễn Văn Tuần ở HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh hợp tác với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị trồng 5 ha lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa ST25. Cùng tham gia chương trình hợp tác này còn có một số hộ dân khác tại HTX Tiên Mỹ với tổng diện tích 17 ha.

Đây là diện tích đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Ruộng chủ động tưới tiêu nước, giao thông thuận lợi, liền vùng liền thửa, có vùng đệm cách ly an toàn, nguồn nước tưới, thành phần đất đai đảm bảo.

Anh Tuần và các hộ dân được công ty hỗ trợ các khâu sản xuất mạ khay, cung ứng phân hữu cơ, các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc, dịch vụ cấy lúa và bao tiêu toàn bộ với giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 12.000đồng/kg. Kết quả, với năng suất thu hoạch từ 2,5-2,7 tạ/sào, trừ chi phí anh thu lãi hơn 1,5 triệu đồng/ sào, cao gấp 2 lần so với canh tác thông thường.

Theo anh Tuần, từ khi tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, anh và các hộ rất phấn khởi vì có thể giải quyết một lúc nhiều vấn đề. An tâm sản xuất vì có công ty cung cấp bộ giống, phân bón chất lượng; công ty thu mua lúa tươi toàn bộ sản lượng giúp giảm áp lực, ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong quá trình phơi.

Bên cạnh đó, khi sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ động, thực vật hữu cơ, bổ sung thêm trứng gà và sữa tươi, phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc nên cây lúa được cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống đổ và chống chịu sâu bệnh tốt; đất ruộng trở nên tơi xốp hơn...

Đặc biệt, ngoài hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác thông thường thì những diện tích canh tác lúa hữu cơ đồng ruộng còn trở nên trong lành, cua, cá trở về sinh sôi nhiều.

“Nhờ trồng lúa hữu cơ mà gia đình tôi trở nên khấm khá, sửa sang lại được nhà cửa khang trang, mua được xe ô tô. Đầu tư hơn 100 triệu đồng mua thiết bị bay không người lái để chủ động việc phun các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc cho diện tích lúa hữu cơ của mình và làm dịch vụ thêm cho các hộ trong HTX”, anh Tuần cho hay.

Chế biến ngô sinh khối làm thức ăn gia súc - Ảnh: L.A

Còn tại huyện Gio Linh, vụ hè thu năm nay là vụ thứ 2 tổng công ty liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước. Trong đó, tổng công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp khi cây ngô bước vào giai đoạn chín sáp ngay tại ruộng với giá từ 900-1.000 đồng/ kg.

Trưởng thôn Ba De, xã Linh Trường Hồ Văn Quyết cho biết, thông thường vào vụ hè thu ruộng lúa của người dân đều bỏ hoang do thiếu nước tưới, không thể sản xuất. Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa vào trồng nhiều loại cây trồng cạn nhưng không hiệu quả.

Từ khi chuyển sang trồng ngô sinh khối, người dân trong thôn đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, hạn chế được tình trạng bỏ hoang đất.

Ông Quyết ước tính, bình quân 1 ha trồng ngô sinh khối, sau 3 tháng chăm sóc cho thu hoạch trên 55 tấn. Với giá thu mua tại ruộng 1.000 đồng/kg, trừ chi phí người dân thu lãi từ 15-25 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn, mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước không chỉ tạo bước đột phá mới trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất mà còn mở ra hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Từ đó giúp nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức sâu rộng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình còn thể hiện sự kết nối giữa 3 nhà: nhà nước-nhà nông và nhà doanh nghiệp về triển khai thực hiện, liên kết thu mua sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 2 vụ sản xuất với diện tích 15 ha, năng suất thu hoạch ngô sinh khối đạt từ 55-65 tấn/ha. Trừ chi phí nông dân lãi từ 7,5-25 triệu đồng/ha. Đối với mô hình trồng ngô sinh khối với tổng đàn trâu bò toàn tỉnh trên 55.000 con trong khi diện tích đất đồng cỏ tự nhiên không nhiều thì ngô sinh khối là nguồn thức ăn rất tốt cho trâu, bò.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về trồng lúa hữu cơ, từ năm 2021, công ty đã nghiên cứu và triển khai thành công mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện rộng tại 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Mô hình lúa hữu cơ được công ty thực hiện theo một quy trình khép kín từ khâu chọn đất, giống, nguồn nước, cấy vi sinh vật bản địa, phân bón hữu cơ, phương pháp cấy trồng theo nguyên lý cận biên của người Nhật...cho đến khâu chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch từ đó nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn của Châu Âu.

Theo ông Hiếu, ngoài sử dụng các công cụ, thiết bị hiện đại như máy gieo hạt, mạ khay, máy cấy, thiết bị bay không người lái để phun chế phẩm sinh học, công ty còn xây dựng xưởng sản xuất phân hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa từ phân gà và vi sinh vật bản địa.

Quy trình làm chế phẩm dinh dưỡng từ cá để phun cho cây lúa thay phân đạm; quy trình xử lý xương động vật, vỏ trứng thiêu kết rồi giã nhỏ, ngâm giấm để lấy nước phun bổ sung canxi, kali; ngâm các loại thảo mộc như ớt, tỏi, gừng, thuốc lá với bia để phun phòng trừ sâu bệnh...

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, công ty còn bổ sung thêm sữa tươi trộn trứng gà bằng thiết bị bay không người lái cho lúa phát triển. Đến nay, sau 3 năm triển khai, công ty đã liên kết với nông dân trồng hơn 76 ha lúa hữu cơ giống ST25.

Với giá cam kết thu mua lúa tươi ngay ruộng 12.000 đồng/kg và vụ 2023-2024 là 13.000 đồng/kg, sản xuất lúa hữu cơ nông dân có lãi trên 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho nông dân và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, công ty đã phối hợp với các địa phương khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ trên địa bàn 4 huyện trọng điểm lúa với diện tích trên 3.600 ha, gồm: huyện Hải Lăng 1.500 ha, huyện Triệu Phong 1.600 ha, huyện Vĩnh Linh 300 ha; huyện Gio Linh 200 ha.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay5,022
  • Tháng hiện tại236,194
  • Tổng lượt truy cập1,022,505
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây